Giữa lúc căng thẳng, Kim Jong Un 'vắng mặt' bí ẩn

Trong suốt hai tuần qua, lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong Un đột nhiên không xuất hiện trước công chúng.

Theo các nguồn tin của Hàn Quốc, nhiều giả thiết cho rằng có nhiều người đang muốn ông Kim giảm bớt các lời đe dọa dữ dội như thời gian vừa qua.
Kể từ ngày 1/4 đến nay, ông Kim Jong Un không có lần xuất hiện nào trước đông đảo công chúng trong nước.
Truyền thông Triều Tiên cho rằng việc này không có gì bất thường, nhưng điều đặc biệt là lần này, ông Kim 'biến mất' trong thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang nghiêm trọng và Bình Nhưỡng có khả năng thử tên lửa đạn đạo tầm trung.
 Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Theo dự kiến, ông Kim Jong Un được cho là sẽ xuất hiện trước công chúng vào ngày mai, khi mà Bình Nhưỡng tổ chức ngày lễ quan trọng nhất trong năm, đó là ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.
Giới chức nước ngoài nhận định rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên có nhiều khả năng diễn ra vào thời điểm tương tự, tức là ngày 15/4.
Một nguồn thạo tin về Triều Tiên cho rằng việc ông Kim vắng mặt là một phần trong 'chiến tranh tâm lý có thể khiến Hàn Quốc và Mỹ chú ý'.
Trong một động thái làm hạ nhiệt căng thẳng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi đối thoại với Triều Tiên, cảnh báo rằng nếu Bình Nhưỡng phóng tên lửa, đó sẽ là một 'thất bại to lớn'.
Hãng Yonhap cũng dẫn lời nguồn tin chính phủ Hàn Quốc mời Triều Tiên vào bàn đàm phán, tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã gọi đây là một 'mánh khóe gian xảo'.
Trung Quốc mới đây cũng đưa ra thông điệp của mình với Bình Nhưỡng khi ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh Triều Tiên liên tục đe dọa tiến hành chiến tranh hạt nhân, và quyết định khởi động lại lò phản ứng hạt nhân trước đó đã ngừng hoạt động.
Câu hỏi đặt ra là liệu lãnh đạo Triều Tiên có tiếp thu các thông điệp từ Seoul, cũng như Washington và Bắc Kinh hay không, và các tuyên bố sắp tới đây của Bình Nhưỡng liệu có hạ nhiệt hơn không.
Ông Chang Yong-seok, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất thuộc Đại học Quốc gia Seoul, nói rằng rất khó để Triều Tiêncó thể 'hạ giọng' vì phải giữ thể diện.
"Thay vì nỗ lực để thay đổi tình hình hiện tại, Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục đẩy căng thẳng lên cao, trong khi khả năng điều chỉnh mức độ căng thẳng là rất mong manh" - ông Chang nói.
Theo Vietnamnet

Nhận xét