Triều Tiên 'múa lửa', Trung Quốc 'sốt rét'

Nếu có một quốc gia lo lắng nhất đối với việc Triều Tiên phóng tên lửa thì không ai khác chính là đồng minh Trung Quốc.

Thoạt nghe điều này có vẻ vô lý, vì đáng lo nhất phải là Hàn Quốc hoặc Nhật Bản chứ sao lại là đồng minh Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách sâu rộng thì tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang gây bất lợi cho các kế hoạch lâu dài của Bắc Kinh.
Ông Paul Eckert, biên tập viên nổi tiếng của Reuters đã có bài phân tích về tác động bất lợi từ những hành động hiếu chiến của Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh. Theo đó, những hành động cứng rắn gần đây của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc củng cố chiến lược của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc có thể đang vái trời mong sao nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un chỉ nói chơi chứ không làm thật.
Trung Quốc thường bày tỏ thái độ thận trọng đối với Bình Nhưỡng so với Washington, sau khi Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 và liên tiếp đe dọa chiến tranh là một điều đáng lo ngại đối với Trung Quốc nhưng những phản ứng từ phía Mỹ còn đáng lo ngại hơn đối với Bắc Kinh.
Sun Zhe, Giám đốc Trung tâm phân tích quan hệ Mỹ - Trung thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), cho biết: “Chúng tôi hiểu chế độ của Triều Tiên và chúng tôi cũng hiểu rằng họ đang chơi một trò nguy hiểm. Mỹ đang sử dụng các cuộc tập trận như một cái cớ để tiếp tục thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á của họ”.
Những hành động hiếu chiến gần đây của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã tạo nhiều thuận lợi cho Mỹ trong việc dịch chuyển lực lượng quân sự của mình đến châu Á - Thái Bình Dương. Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2B-52, tiêm kích tàng hình F-22, trên biển có sự hiện diện của các tàu khu trục Aegis USS John S. McCain, USS-Decatur, triển khai hệ thống đánh chặn THAAD trên đảo Guam được xem là những phản ứng đầu tiên đối với Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, Nhật Bản đã tuyên bố triển khai vĩnh viễn hệ thống đánh chặn tên lửa PAC-3 tại quần đảo Okinawa nhằm đối phó với tên lửa của Triều Tiên. Mặc dù việc triển khai này trước mắt nhằm đối phó với Triều Tiên nhưng chủ yếu chỉ là tạm thời.
Nếu Triều Tiên phóng tên lửa, đó sẽ là thảm họa đối với chiến lược vượt qua chuỗi đảo thứ 2 của Trung Quốc.
Về lâu dài, những triển khai ban đầu này sẽ cho phép Mỹ củng cố lực lượng tiến đến việc mở rộng sự hiện diện quân sự tại khu vực nhằm đối phó với sự phát triển của quân đội Trung Quốc. Điều đó đang gây bất lợi cho chiến lược xây dựng khu vực “chống tiếp cận” của Trung Quốc nhằm ngăn cản sự xuất hiện của các lực lượng quân sự Mỹ đến gần nước này trong trường hợp xảy ra xung đột.
Tồi tệ hơn, nếu Bình Nhưỡng thực hiện việc phóng tên lửa cho dù nó có không nhắm vào bất cứ ai thì cũng đủ để Mỹ tăng cường thêm lực lượng đến khu vực. Phóng tên lửa, đồng nghĩa với việc Kim Jong-un “không nói chơi”, khi đó Mỹ sẽ đường đường chính chính triển khai lực lượng quân sự đến khu vực với tư cách là “người bảo vệ cho các đồng minh”. Khi đó Trung Quốc không còn lý do nào để có thể phản đối sự tăng cường quân sự của Mỹ ở khu vực.
Trên thực tế, Triều Tiên không phải là thách thức quá lớn đối với Mỹ, nhưng đây là cái cớ để họ tìm cách bao vây kiềm tỏa Bắc Kinh.
Hành động hiếu chiến của Bình Nhưỡng đã gián tiếp giúp Mỹ “một mũi tên nhắm 2 con nhạn”, một mặt kiềm chế mối đe dọa quân sự của Bình Nhưỡng, mặt khác kéo Hàn Quốc và Nhật Bản vào cái gọng kìm kẹp Trung Quốc từ phía đông.
Trong cuộc nói chuyện với các phóng viên ở Washington, Thư ký quốc phòng Nhà Trắng Ashton Carter đã thẳng thừng bác bỏ những phàn nàn của Trung Quốc về việc họ triển khai lực lượng quân sự ở khu vực Đông Bắc Á.
Ông nói: “Hành vi của Triều Tiên đang gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ với Mỹ mà còn nhiều nước khác trong khu vực. Nếu người Trung Quốc thực sự không mong muốn sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, có một cách dễ dàng nhất là giải quyết vấn đề đó, nói chuyện với Triều Tiên để ngăn chặn các hành động khiêu khích của họ”.
QUỐC VIỆT
Theo Infonet

Nhận xét