Không chỉ để lại ấn tựợng sâu sắc đối với những tướng lĩnh lừng danh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là vị tướng huyền thoại mà bình dị qua câu chuyện của những người lính, nghệ sĩ từng được dịp gặp ông.
Báo Tri thức trích đăng bài viết "Ba lần gặp Tổng tư lệnh" của họa sĩ Lê Trí Dũng, đăng trên tạp chí Xưa và nay số 268 tháng 9/2006. Bài viết này cũng đã được đăng tải lại trong cuốn sách Ở với người - Ở với đời do Nhà xuất bản Thời Đại phát hành vào năm 2012.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, vị chỉ huy lớn đánh thắng hai đội quân xâm lược là Pháp và Mỹ. Với những người làm công tác văn hóa, ông là anh Văn thân thiết. Còn với những người lính chúng tôi, dù đang còn mặc áo lính hay đã giải ngũ, ông là vị chỉ huy suốt đời, là "ông Tướng huyền thoại" của chúng tôi, còn là kỷ niệm không bao giờ quên được với ba lần gặp ông.
Họa sĩ Lê Trí Dũng trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu. |
Lần thứ nhất, đó là những ngày giáp Tết Nhâm Tý đầu năm 1972, Sư đoàn Bộ binh 338 quân tăng cường Bộ tư lệnh Thủ đô đang cấp tập “rèn” quân ở Thạch Thành (Thanh Hoá). Ngày nào cũng đeo 10kg đá đựng trong sọt tre tự đan chạy 5km, sau đó là lăn, lê, xạ kích, võ thuật và đào giao thông hào. Đại đội đóng quân trong một bản người Mán, vùng bán sơn địa. Sung sức, tôi được giao khẩu B41, nặng và là hoả lực chính của đại đội.
Mùa đông năm ấy rất lạnh. Đêm nằm, chúng tôi mặc tất quần áo, quấn cả màn và áo mưa mà ngủ, chờ lệnh xuất quân vào B dài. Một đêm khoảng 12h đột nhiên có còi báo động rú lên. Lệnh xuất quân. Toàn bộ quân trang quân dụng phải mang đi hết. Lính tráng làu bàu: Đêm hôm giá buốt, lại còn vài ngày nữa là Tết...
Nhưng kỷ luật chiến trường, quân lệnh như sơn. Tôi nai nịt chặt chẽ xong, hất khẩu B14 lên vai là đi. Trời đêm đen như mực, hết đèo lại suối, người sau cứ nối bước người trước mà đi. Hầu hết lính nhập ngũ năm ấy là sinh viên các trường đại học, có cả những thầy giáo và khá đông nghiên cứu sinh ở nước ngoài mới về.
Đến lúc ấy, các "công tử" mới thấy giá trị của những buổi đèo sọt rèn quân. Nhưng dù sao chăng nữa, lính Hà Nội cũng khó dứt khỏi những mối tình sinh viên mà các bạn gái theo lên từ thủ đô. Và thế là cái kho chứa rơm của hợp tác xã bị biến thàng "chiêu đại sở" của lính và nước mắt chia ly nhiều bao nhiêu thì càng làm tăng sự đột ngột của lệnh hành quân đêm ấy. Nhưng đến tảng sáng thì chúng tôi ngã ngửa người ra khi nhìn thấy lờ mờ dãy núi đá vôi Ninh Bình, tức là chúng tôi đã lộn ngược ra Bắc và đã đi được 40km. Và một tin vui còn bất ngờ hơn: chuẩn bị nghe đại tướng Võ Nguyên Giáp úy lại vào chúc Tết khi vào chiến trường...
Hôm ấy, Sư đoàn bộ đã dựng một khán đài cao, Đại tướng sẽ đứng trên đó nói chuyện, toàn sư đoàn hàng ngũ chỉnh tề trải dài xuống ven đồi. Nhiều đơn vị ở quá xa chỉ cử đại diện. Đại tướng lên nói chừng 15 phút, chúc Tết và động viên binh sĩ, tiếng "hu-ra" vang rền. Kết thúc, đơn vị chỗ nào lại về chỗ nấy. Chúng tôi còn nán lại để "xem mặt" ông. Ra đến ngoài cánh rừng bạch đàn, rất nhiều chiến sĩ đứng dọc hai bên đường, từ trên xe, ông nhảy xuống đi bộ giữa hai hàng quân, tay vẫy vẫy...
Đột nhiên ông dừng lại trước một người lính trẻ, rất trẻ. Chỉ khoảng 16, 17 tuổi và rất nhỏ bé, lùng thùng trong bộ quân phục số 2. Đối diện với người binh nhì, ông ôn tồn hỏi: “Đồng chí đi bộ đội bao lâu rồi?”. “Báo cáo Đại tướng, gần một tháng ạ”. “Đã học chào chưa?”. Người lính trẻ lúng túng, vì cảm động hơn vì câu hỏi. Và bất ngờ, Đại tướng dập gót, đứng nghiêm, giơ tay chào. Người lính cũng đứng thẳng người, chào đáp lại, hai mắt anh rực sáng.
Suốt đời, tôi không bao giờ quên ánh mắt của người lính hôm ấy. Trong ánh mắt ấy nửa như có sự hàm ơn, nửa như mang một lời hứa. Trong giây lát, không gian như nén lại rồi vỡ tung ra trong tiếng “hu-ra” vang dội.
Lần đầu tiên, tôi chứng kiến một cảnh tượng cảm động và lạ lùng: một đại tướng đứng nghiêm chào một binh nhì trước giờ xuất trận. Giờ đây, đã hơn 30 năm, lũ trẻ sinh thành đêm hôm ấy phần lớn đã có gia đình, Còn chúng tôi không quên được cuộc hội ngộ. Trong tình thế ầm ầm vào trận, mạng sống quả rất mong manh. Nhưng với đạo quân "Phụ tử chi binh" ấy, người ta cũng có thể chết vì một tấm lòng, một nghĩa cử lắm chứ!
Sự thực trong đoàn quân năm ấy rất nhiều người không trở về, họ vĩnh viễn nằm lại thành cổ Quảng Trị, đáy dòng sông Thạch Hãn, một cánh rừng nào đó B2, B3, chiến trường C... Nhưng tôi biết sức mạnh của những người lính chúng tôi được tăng lên kể từ buổi gặp chủ tướng của ngày ấy.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn bắt tay khen ngợi đội phi công Quyết Thắng, năm 1975. Ảnh tư liệu. |
Lần thứ hai: Vào cuối năm 1994. Cuộc triển lãm hội hoạ mang tên “Cái nhìn từ hai phía” hội tụ 40 hoạ sĩ cựu chiến binh hai nước Việt Nam và Mỹ sau khi chu du vòng quanh nước Mỹ gặt hái nhiều tiếng vang thì lễ bế mạc được tổ chức ở bảo tàng Mỹ thuật, Hà Nội.
Vài hôm sau buổi lễ, tôi được ban tổ chức mời đến để cùng tiếp một khách mời đặc biệt: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hơn nửa giờ ông xem kỹ từng bức tranh một, thỉnh thoảng trao đổi đôi lời với chúng tôi.
Ông dừng lâu trước bức “Chân dung Bác Hồ” gắn bằng những con tem thư của hoạ sĩ cựu chiến binh David Thomas và bức “Cánh rừng Đi-ô-xin” của tôi.
Tôi biết, ngày nay ở Hà Nội, mỗi tuần một triển lãm, việc ông đến thăm triển lãm hội hoạ của những người lính cũ hai bên của cuộc chiến mà “hơi bom còn nóng hổi” là không phải điều đơn giản. Ông thích hội hoạ, am hiểu văn, sử, khoa học và còn biết chơi piano cừ khôi. Thế giới ít có người văn võ song toàn như thế.
Bức họa Đại tướng Võ Nguyên Giáp của tác giả Lê Trí Dũng. Ảnh tư liệu. |
Lần thứ ba: Thời gian như gió qua cửa sổ. Nhiều lúc phóng xe trên đường nhưng tôi cứ nghĩ: "Ông tướng đã 93 tuổi rồi, đại thượng thọ rồi, không biết có tập thiền nữa không?
Thế rồi, một dịp bất ngờ, tôi được vẽ và chụp ảnh Đại tướng. Một chiều tháng 9, tôi đến nhà ông. Tôi chờ trong phòng khách. Rồi ông xuất hiện trong bộ lễ phục Đại tướng. Cử động chậm đi nhiều tuy rất minh mẫn.
Sau phút chào hỏi, ông bảo: "Làm việc ngay, vì lát nữa là đến giờ tập thái cực quyền rồi". Tôi bắt đầu vẽ, căn phòng lặng tờ, chỉ nghe tiếng sột soạt trên giấy. Đột nhiên, ông bảo: “Rất nhiều người nói tôi có hai đặc điểm: cái mắt và cái trán. Anh lưu ý nhé”.
Tôi biết ông đang mệt, dạo này thời tiết rất độc, mưa luôn. Vừa vẽ, tôi vừa quan sát ông. Đằng sau vầng trán kia, ông đang nghĩ gì? Hơn 30 năm trước hằng đêm ông thức trắng nghe tin chiến sự miền Nam từ điện thoại trực tuyến, nước mắt tướng quân có rơi không khi nghe tin đồng chí đồng bào của mình hy sinh dưới lê súng địch? Và ông phải chống chọi thế nào với sóng gió cuộc đời sau cuộc chiến?
Bất thần, ông nói: “Nhà đồng chí ở đâu?”. Tôi vừa trả lời ông vừa lựa thế đưa câu chuyện chuyển sang hướng “tâm tình”. Nhưng không, chỉ thế thôi! Ác liệt của chiến tranh và cuộc sống quân ngũ, sự cọ xát thường tình với hiểm nguy và yêu cầu quân sự đã tôi luyện vị Tổng chỉ huy thành bản lĩnh “buồn giận không lộ ra nét mặt”.
Rồi 30 phút qua đi. Bức hoạ bằng bút sắt đã xong, nhìn vẻ chưa hài lòng của tôi, ông đột nhiên hỏi người nhà: “Mai thứ mấy?”. “Thưa, thứ bảy ạ!”. “Vậy mai anh lại đến nhé!”. Lại bất ngờ, tôi hồi hộp: “Dạ, mấy giờ ạ?”. Vài tích tắc trôi mau: “Ba giờ”.
Đến bây giờ và mãi mãi về sau, tôi không thể quên được âm thanh, ngữ điệu và hồn khí của hai từ ấy. “Ba giờ” - Đại tướng nói nhanh, mạnh và sắc với ngữ điệu của người Lệ Thủy, Quảng Bình, không, không hẳn là vì thổ ngữ xứ đó, xứ quen trận mạc và đau thương, xứ có nhiều người kiệt xuất... mà trong âm điệu ấy, cái ý toát lên một lời hẹn thì ít mà nghe như một tiếng Lệnh thì đúng hơn. Đời ông, ông đã ra bao nhiêu cái lệnh như thế?
Hình ảnh bình dị của vị Tổng tư lệnh. Ảnh tư liệu. |
Âm hưởng toát ra cái thần hồn, thần khí có tác dụng gieo vào lòng người thừa hành một lòng tin đặc biệt, chắc thắng, không do dự. Tôi tặng ông cuốn Theo vết xích xe tăng và giới thiệu đây là cuốn hồi ký của bộ đội xe tăng trong chiến tranh. Ông cầm cuốn sách, im lặng nhìn chiếc xe tăng vượt cổng trời nơi bìa. Chuyển cho người cần vụ cất đi và nói: “Tôi sẽ đọc”. Rồi thay đồ để đi tập thái cực quyền.
Ba giờ đúng ngày hôm sau, công việc tiếp tục. Ông tương tỉnh hơn. Thấy tôi giở máy ảnh, ông bảo: “Tôi rất ít khi được chụp một mình, bởi các đoàn thăm cứ tìm vai bíu cổ đòi chụp chung”.
Lúc tôi vẽ ông, ông ngồi rất im, để phá tan cái im lặng ấy, tôi hỏi ông: “Chiều nay Đại tướng có còn tập quyền nữa không?”. Ông bảo “Không”, rồi tiếp: “Tôi tập lại, trước tập rồi, bây giờ tập lại”. Đột nhiên ông bảo: “Sao Minh Đỉnh “đi” nhanh thế nhỉ? Đang khoẻ! Giới hoạ sĩ cũng đánh giá ông ấy đắp tượng Bác giống nhất đấy!”.
Tôi đưa cho ông xem bức hoạ vừa xong bằng phấn màu, ông ưng ý lắm: “Được đấy!” và gọi vợ: “Hà ơi, xem này!”. Tôi đưa cây bút dạ để ông ký vào góc dưới tranh, ông cầm bút hơi rung, dưới ngón trỏ một nốt ruồi đỏ lớn, ông hỏi: “Ký là Văn nhé?”. Tôi trả lời: “Không ạ, Đại tướng cứ ký Võ Nguyên Giáp là hơn!”.
Im lặng, rồi dường như lấy đà, ông phóng bút ký, đường bút đi như kiếm bay, rồi chấm một cái vào một chỗ không ngờ. Thế là bức hoạ hoàn thành. Ông bắt tay tôi và nói: “Cho tôi gửi lời chào toàn thể gia đình anh nhé!”. Ông là vị tướng quân của người Việt Nam, của dân tộc cấy lúa nước, là chỉ huy trưởng đoàn quân chân đất năm xưa.
Chị Hà tiễn tôi, tôi bảo: "Ông là tài sản của nhân dân Việt Nam". Chị Hà sửng sốt: "Thế à". Chị Hà ơi, sao chị lại sửng sốt? Ông ấy đã lấy lại lòng tin cho chúng tôi trong bao phút ngã lòng. Đời người ta, ai không có những phút ngã lòng? Khi cái ác đè lên cái thiện, khi sự thật bị vùi lấp... thì chúng tôi cần ông biết bao. Vì ông mãi mãi là vị Tổng Tư lệnh của những người lính chúng tôi.
Theo Tri Thức
Nhận xét
Đăng nhận xét