Người con gái chưa từng gặp của người vẽ lá cờ Tổ quốc

Trước khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, Nguyễn Hữu Tiến đã tự tay vẽ lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh. Hình ảnh này sau đó được in trên tờ nhật báo Tiến Lên cùng với 1 bài thơ do ông sáng tác kêu gọi nhân dân đoàn kết chiến đấu.
Cụ Nguyễn Thị Xu (84 tuổi, trú thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam) là người con duy nhất của liệt sĩ Tiến - tác giả lá cờ Tổ quốc. Vừa lau chùi bàn thờ cha, cụ Xu vừa bảo: “Vậy là đã tròn 72 năm ngày cha tôi mất, tôi vẫn nhớ những kỷ niệm về cha mình qua lời kể của mọi người”.
Ký ức về người cha chưa một lần gặp mặt
Trong ký ức của cụ Xu, hình ảnh về người cha – liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến rất mờ ảo, bởi hai cha con họ chưa một lần được gặp mặt nhau. Gạt dòng nước mắt còn sót lại sau bao nhiêu năm ngóng tin liệt sĩ Tiến trong tuyệt vọng, cụ Xu tâm sự, cụ là người con duy nhất trong gia đình liệt sĩ Tiến, gia cảnh vô cùng túng thiếu, giặc Pháp càn quét khắp bản làng khiến cụ Xu không được đến trường học. Hưởng ứng lời kêu gọi hiệu triệu của cách mạng, liệt sĩ Tiến đã bỏ lại sau lưng người vợ và đứa con chưa chào đời, bố mẹ già mù để lên đường vào trận chiến.
Cụ Nguyễn Thị Xu tâm sự về ký ức với người cha – liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến.
“Ngày đó không được yên bình như bây giờ. Cả ngày lẫn đêm, trên thì giặc trút bom, dưới đất thì chúng càn quét bắn giết dân nghèo. Chúng tôi làm ra củ khoai, hạt kê nào thì phải giao nộp cho chúng hết cả nên cái đói, cái khát cứ đeo đẳng mãi không buông tha; xác chết đói nằm rải rác khắp mọi nơi…”, cụ Xu nhớ lại.
Từ khi liệt sĩ Tiến ra đi, được sự động viên của gia đình, mẹ cụ Xu đã “đi bước nữa” sinh ra 3 người con. Sau ngày mẹ đi lấy chồng, cụ Xu về ở với cô ruột (em gái liệt sĩ Tiến) được vài năm thì cô mất, từ đó cụ Xu sống một mình đến nay.
“Lớn lên, tôi mới được nghe người nhà kể về cha mình, rồi được nghe đài báo nói nên mới biết thêm chứ tôi chưa một lần được gặp mặt cha. Đêm đêm, tôi nằm mơ thấy cha hiện về ngồi bên cạnh vỗ về tôi. Tôi giật mình thức giấc gọi tên cha nhưng rồi chỉ thấy một thân mình cô quạnh trong túp lều neo đơn chứ đó không phải là sự thật. Trong mơ, tôi trông thấy cha Tiến vẫn còn rất trẻ, đẹp trai; giọng cha ấm áp…”, cụ Xu hồi tưởng.
Liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến.
Sau khi bị địch bắt xử bắn, liệt sĩ Tiến được chôn tại một địa điểm trong chiến trường miền Nam. Qua nhiều lần đi tìm hài cốt nhưng vẫn không thấy, cách đây hơn 7 tháng, nhờ một người quen, gia đình cụ Xu đã tìm thấy hài cốt liệt sĩ Tiến ở khu vực huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh).
“Hơn 70 năm nằm lạnh lẽo dưới đất, hài cốt cha tôi chỉ còn lại một mẫu đất và cọng sắt chính là gông cùm giặc giam cầm cụ. Dù chỉ còn lại như thế nhưng chúng tôi cũng cảm thấy may mắn khi đã tìm thấy bởi đâu đó, còn rất nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy”, cụ Xu xúc động.
Hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho cách mạng
Liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến, sinh ngày 5/3/1901 tại làng Lũng Xuyên. Từ nhỏ Nguyễn Hữu Tiến đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia vào các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp.
Năm 1930, Nguyễn Hữu Tiến cùng các đồng chí như Trần Tử Yến, Vũ Văn Uyển đứng ra thành lập Chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại làng Lũng Xuyên, theo quyết định của Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đây là tổ chức cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo tại Hà Nam, Nguyễn Hữu Tiến được tín nhiệm giữ chức Phó Bí thư phụ trách công tác tuyên truyền.
Suốt bao năm qua, một thân cụ Xu vẫn ngày ngày lo hương khói cho liệt sĩ Tiến, do không được nhà nước cấp chế độ.
Hoạt động được một thời gian thì ông bị địch bắt. Sau 2 năm bị tù đày ở Côn Đảo, chịu bao nhiêu khổ cực, được chỉ thị của Đảng bộ Côn Đảo, Nguyễn Hữu Tiến cùng 6 đồng chí khác vượt ngục thoát ra khỏi nhà tù trở về đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau chuyến vượt ngục ấy, Nguyễn Hữu Tiến được Xứ ủy Nam Kỳ giao phụ trách liên tỉnh Đảng bộ Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Rạch Giá.
Tháng 7/1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp mở rộng thông qua đề cương khởi nghĩa, được đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai mô tả lại một số lá Quốc kỳ của các nước. Tại đây chiến sĩ Nguyễn Hữu Tiến đã nung nấu ý định sẽ vẽ lá cờ Tổ quốc nhằm tuyên truyền cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
Và trước khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ (23/11/1940), lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh lần đầu tiên được in trên trang nhật báo Tiến Lên, cùng với một bài thơ do chính ông sáng tác, kêu gọi nhân dân Việt Nam đoàn kết chiến đấu dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngay sau đó, Nguyễn Hữu Tiến đã vẽ lá cờ vào phiến đá và in ra nhiều bản cho chuyển xuống các cơ sở bí mật. Công việc in ấn gần xong thì lính Pháp ập đến bắt giữ.
Ngôi nhà nơi thờ tự liệt sĩ Tiến.
Sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, Nguyễn Hữu Tiến bị thực dân Pháp xử bắn vào ngày 28/8/1941. Trước khi ra pháp trường, ông đã để lại lời nhắn tha thiết về lòng yêu nước, căm thù giặc cũng như tinh thần bất khuất, cùng niềm tin vào tương lai. Những dòng nhắn nhủ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến được in ra và treo ngay trên tấm chân dung của ông do cố nhạc sĩ Văn Cao vẽ:
"Vĩnh biệt hôm nay có mấy lời
Nhắn cùng đồng chí khắp nơi nơi
Tinh thần để lại cho non nước
Thù hận ghi sâu giữa đất trời
Án chém Hà Nam đà rũ sạch
Khổ sai Côn Đảo đã qua rồi
Anh em đi trọn con đường nhé
Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai".
Hiện nay, cụ Xu đang là người chăm nom nơi thợ tự liệt sĩ Tiến. Không có lương, mang căn bệnh tim nên sức khỏe của cụ Xu rất yếu, gia cảnh khó khăn. “Không nhận được chế độ phụ cấp nào để có tiền lo hương khói cho cha Tiến, nhiều lúc tôi cũng thấy tủi thân lắm…”.
Thanh Lê
Theo Tri Thức

Nhận xét