Tàu do thám Nga tới gần 5 chiến hạm Mỹ

Nga vừa cử một tàu do thám quân sự tiến vào vùng biển Địa Trung Hải, nơi mà 5 tàu chiến của Mỹ đang hoạt động để chờ lệnh không kích vào lãnh thổ Syria.
Hãng thông tấn Itar-Tassdẫn một nguồn tin quân sự Nga cho biết, tàu trinh sát mang tên Priazovye đã tiến vào vùng biển quốc tế bên ngoài hải phận Syria để dò xét tình hình.
“Đây là hoạt động bình thường của mọi hạm đội trong trường hợp xung đột nổ ra trên vùng biển bất kỳ””, nguồn tin nói.
Nga triển khai tàu do thám sau hàng loạt các động thái tăng cường hiện diện quân sự của hải quân Mỹ trên vùng biển quốc tế ở phía đông Địa Trung Hải. Tàu khu trục trang bị tên lửa USS Stout vừa đến để thay thế nhiệm vụ của USS Mahan nhưng AFP dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, có thể cả 2 tàu vẫn sẽ ở lại khu vực này.
Tàu do thám Priazovye của Nga.
Trong trường hợp đó, Mỹ sẽ có 5 chiến hạm - bao gồm US Stout, USS Mahan, USS Ramage, USS Barry và USS Gravely – hoạt động trên vùng biển quốc tế ngoài khơi Syria. Cả 5 tàu đều mang tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn hơn 2.000 km, đủ sức đánh trúng mọi mục tiêu quân sự trên đất Syria nếu Tổng thống Barack Obama hạ lệnh tấn công.
Nhóm tàu tấn công do hàng không mẫu hạm USS Nimitz dẫn đầu cũng đã tới vùng biển Ả Rập. Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm thể hiện quyết tâm trừng phạt chính phủ của nhà lãnh đạo Bashar al-Assad về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học khiến hơn 1.000 người chết ở các khu vực ngoại ô thủ đô Damascus.
Nga, đồng minh thân cận nhất của Syria, đã bày tỏ hoài nghi về cáo buộc của chính phủ Mỹ. Trong cuộc họp diễn ra tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov một lần nữa lên án mọi hành động quân sự của nước ngoài nhằm giải quyết tình hình Syria. Người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Nga cũng khẳng định, Moscow “không có kế hoạch gây chiến với bất kỳ ai” thông qua Syria.
Chính phủ Syria đã lên tiếng yêu cầu Liên Hiệp Quốc “ngặn chặn sự xâm lược của phương Tây”. Trong bức thư mà ông Bashar al-Jaafari, đại diện Syria, trình lên Liên Hiệp Quốc, chính phủ của Tổng thống Assad “kêu gọi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thể hiện vai trò và nỗ lực ngăn chặn mọi cuộc xâm lược nhằm vào Syria”. Bức thư cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc hỗ trợ các bên tìm ra “một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị” ở Syria, một cuộc khủng hoảng đã cướp mạng sống của hơn 110.000 người kể từ tháng 3/2011.
Hồng Duy
Theo Tri Thức

Nhận xét