Đề xuất cho phép phụ nữ 16 tuổi được lấy chồng

Về độ tuổi kết hôn, đại diện Bộ Tư pháp và một số ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung quy định ngoại lệ đối với trường hợp nữ chưa đủ 18 tuổi.


Hạ tuổi kết hôn là không hợp lý
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, thực trạng kết hôn sớm theo tập quán vẫn diễn ra khá phổ biến ở một số vùng, miền dù quy định về độ tuổi kết hôn hiện hành đã được thực hiện ổn định trong thời gian dài.
Việc bổ sung quy định ngoại lệ giúp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt là trẻ em được sinh ra trong trường hợp này. Nếu bổ sung quy định trường hợp ngoại lệ về tuổi kết hôn của nữ thì điều kiện phải chặt chẽ như giảm tối đa không quá 2 tuổi, được hai bên gia đình công nhận hoặc được sự đồng ý của người giám hộ, đã có con chung... Trên cơ sở luật định, Chính phủ sẽ hướng dẫn các trường hợp đặc biệt kết hôn từ đủ 16 tuổi.
http://tanchau123.blogspot.com/
Có nhiều phụ nữ - nhất là ở vùng dân tộc thiểu số - lập gia đình từ tuổi thiếu niên (ảnh minh họa)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu ý kiến: Theo quy định hiện nay, 17 tuổi 1 ngày nghĩa là thành 18 tuổi, giả sử hạ cũng chỉ là xuống 1 tuổi so với hiện hành.
Tuy nhiên đề xuất trên đã bị nhiều ý kiến phản đối. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Làm luật phải theo xu hướng tiến bộ, hạ tuổi của nữ xuống 16 tuổi được lấy chồng liệu có ngược xu hướng? Tuổi kết hôn đa số cao lên, nếu đưa được nữ lên 20 là mừng, đằng này lại đánh tụt xuống là không phù hợp với thực tế”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện thẳng thắn cho rằng việc quy định hạ tuổi kết hôn sớm cho nữ mở rộng toàn xã hội là không nên. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì bổ sung: Phải có danh mục những đồng bào dân tộc thiểu số nào và độ tuổi kết hôn của họ thực tế thế nào. Phải rà soát kỹ lưỡng chuyện hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu mới đưa ra quy định...
Các ý kiến khác cùng cho rằng độ tuổi kết hôn không nên hạ xuống vì chúng ta đang xây dựng xã hội văn minh, không nên đi ngược lại với xu hướng chung.

Bỏ quy định ly thân
Văn bản thỏa thuận ly thân nếu được công chứng sẽ giúp các bên có thêm cơ sở pháp lý và văn bản này cũng là điều kiện để tòa án giải quyết thuận tình ly hôn mà không cần phải qua thủ tục hòa giải.Theo đại diện Bộ Tư pháp, việc bổ sung chế định ly thân trong luật nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của các bên, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, vì đây là một vấn đề riêng tư, nhiều gia đình không muốn công khai tình trạng ly thân, dự thảo luật sửa đổi theo hướng quy định mềm dẻo hơn để bảo đảm quyền được lựa chọn của vợ chồng, đó là tự thỏa thuận ly thân hoặc thỏa thuận ly thân được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng.
Tuy nhiên, chế định này cũng có nhiều ý kiến phản đối. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn: “Không nên đưa chế định này vào luật”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng: Ban soạn thảo cần rà soát lại vì liên quan đến quyền con người để phù hợp với Hiến pháp và các luật khác.
“Đề ra chế định ly thân là hình thức hóa, hành chính hóa càng làm mâu thuẫn vợ chồng tăng thêm. Mục đích của luật là hướng tới sự tốt đẹp mà lại quy định để vợ chồng thêm cách xa nhau là không phù hợp” – ông Lý nêu quan điểm.
Một số ý kiến nhận định việc đưa ra chế định ly thân là lợi bất cập hại. “Đưa ra chế định ly thân có hợp với văn hóa truyền thống không? Pháp luật phải theo văn hóa truyền thống” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại kỳ họp thứ 6. Ban soạn thảo luật đang tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.
Theo Lương Kết

Nhận xét