10 đại dịch nguy hiểm giết chết hàng chục triệu người

Những đại dịch lớn nhất, tồi tệ nhất từng xảy ra trong lịch sử loài người. Chúng đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người.
Từ xa xưa, nhân loại đã không xa lạ gì với các loại dịch bệnh do vi khuẩn gây ra từ nước uống, thức ăn và môi trường. Đến khi con người bắt đầu sinh sống tập trung tại những khu dân cư đông đúc, các loại dịch bệnh lây nhiễm mới bắt đầu có cơ hội phát triển thành các đại dịch.
Trong quá trình phát triển của mình, nhân loại ngày càng tiếp xúc gần hơn với các loại vi khuẩn mà trước đây tổ tiên của mình chưa từng gặp. Qua việc tích trữ thực phẩm và mở rộng lãnh thổ, con người thu hút nhiều loại vật chủ mang mầm bệnh như chuột và ruồi muỗi, tạo cơ hội cho đại dịch phát triển lớn hơn.
Sau đây là những đại dịch lớn nhất, tồi tệ nhất từng xảy ra trong lịch sử loài người, gây nên cái chết của hàng chục triệu nạn nhân:
1. Bệnh bại liệt
Bệnh bại liệt ở trẻ em (Polio) là căn bệnh đã có từ hàng ngàn năm. Đây là chứng bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi trùng poliovirus lây truyền qua thực phẩm và nước uống. Khi xâm nhập vào cơ thể, siêu vi trùng lan vào hệ thần kinh trung ương, làm yếu các cơ, khiến nạn nhân bị bại liệt.
Bệnh bại liệt từng hoành hành trong các cộng đồng loài người từ thời thượng cổ, và mãi tới năm 1840, một nhà khoa học tên là Jakob Heine mới tìm ra nguyên nhân và chế được vắc xin phòng ngừa, khiến số nạn nhân của bệnh này giảm dần trong vài thập niên gần đây.
Những trẻ em bị bại liệtở châu Phi
Ở Mỹ, đại dịch bại liệt bùng nổ vào năm 1952, khi có tới 57.628 nạn nhân mắc bệnh trên khắp cả nước. Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, bao gồm sốt, viêm họng, ho, nôn mửa, đau bụng. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân bình phục nhanh. Trường hợp nặng,khi tế bào thần kinh bị phá hủy, dẫn đến teo cơ và liệt. Bệnh nặng nữa là liệt hành tủy, viêm màng não, liệt hô hấp dẫn đến tử vong.
Vì không có thuốc chữa trị hiệu quả, căn bệnh này chỉ có thể ngăn chặn được bằng cách tiêm chủng, và người ta hy vọng sẽ loại trừ được bệnh bại liệt trong các thế hệ tương lai.
2. Sốt phát ban
Sốt phát ban là bệnh do bị lây nhiễm bởi một số loại vi khuẩn rickettsia (tác nhân gây bệnh). Rickettsia là một nhóm vi khuẩn có thể được lây truyền sang người qua trung gian một số loài ngoại ký sinh như: bọ chét, chấy rận, ve…
Bệnh sốt phát ban do chấy rận lưu hành ở những vùng khí hậu lạnh với điều kiện sống thấp, kém vệ sinh và những nơi có chuột phát triển mạnh, con người phải sống chung với nhiều chuột trong nhà. Những vụ dịch lớn đã xảy ra trong chiến tranh và nạn đói.
Những nốt phát ban trên cơ thể một bệnh nhân
Triệu chứng của bệnh là sốt cao (39 – 40 độ), ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau khớp, buồn nôn và mệt mỏi biểu hiện nhiễm độc. Sau đó nạn nhân sẽ bị phát ban nửa người, sau khoảng 2 - 4 ngày thì lan ra toàn thân. Nếu không được điều trị, nạn nhân sẽ bị kiệt sức do sốt, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu cùng các biến chứng khác khiến các cơ quan trong cơ thể bị hủy hoại.
Đại dịch sốt phát ban lan tràn khắp châu Âu trong cuộc chiến Ba mươi Năm từ thập niên 1960 và cướp đi sinh mạng của hơn 10 triệu người. Trong Thế Chiến I, nó tiếp tục hoành hành ở Nga, Ba Lan và Rumani, khiến hàng triệu người thiệt mạng. Hiện nay vẫn tồn tại các ổ dịch lưu hành địa phương ở vùng núi Mehico, trung và nam Mỹ, trung và tây Phi và một số nước châu Á.
3. HIV/AIDS
Là một trong những căn bệnh “mới nhất”, HIV/AIDS lan truyền khắp thế giới vào thập niên 1980, và đã cướp đi sinh mạng của hơn 25 triệu người trên toàn cầu.
Một nạn nhân bị AIDS giai đoạn cuối
Căn bệnh này do virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV) gây ra, và lan truyền thông qua việc tiếp xúc các dịch nhầy của cơ thể rồi nhanh chóng tấn công hệ miễn dịch của nạn nhân, khiến nạn nhân không còn cơ chế phòng vệ nào trước các căn bệnh khác.
Hiện HIV/AIDS vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mặc dù các y bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng các loại thuốc chống phơi nhiễm và làm chậm quá trình phát tác của virus, hạn chế các triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân từ 4-12 năm.
4. Bệnh sốt rét
Đây là một trong những căn bệnh lâu đời nhất đe dọa đến cuộc sống của loài người, và những ghi chép đầu tiên về căn bệnh lan truyền qua loài muỗi này đã có từ cách đây gần 4000 năm, và cho đến nay nó vẫn xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới.
Bệnh sốt rét chủ yếu lây truyền qua muỗi
Bệnh phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Mỹ, châu Á và châu Phi. Mỗi năm có khoảng 515 triệu người mắc bệnh, từ 1 đến 3 triệu người tử vong - đa số là trẻ em ở khu vực phía nam sa mạc Sahara, châu Phi.
Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất và là vấn đề rất nghiêm trọng đối với sức khoẻ cộng đồng. Đại dịch sốt rét lớn nhất trong lịch sử bùng nổ ở nhiều quốc gia trên thế giới trong Thế Chiến I và Thế Chiến II. Chỉ riêng trong quân đội Mỹ đã có tới hơn 100.000 binh sĩ thiệt mạng vì căn bệnh này.
5. Dịch tả
Bệnh tả là căn bệnh phổ biến ở Ấn Độ trong nhiều thế kỷ và sau đó lan truyền ra khắp thế giới vào thế kỷ 19. Con đường lây nhiễm phổ biến nhất của căn bệnh này là thực phẩm và nước uống.
Dịch xuất hiện đầu tiên từ các tuyến đường thương mại (trên đất liền và trên biển) từ Ấn Độ đến Nga năm 1817, sau đó lan sang các phần còn lại của châu Âu, và từ châu Âu sang Bắc Mỹ.
Chỉ trong 200 năm đã có 7 trận đại dịch đã xảy ra trên thế giới. Năm 1832, gần 40.000 người dân Paris, Pháp chết vì dịch tả, trong đó có cả tể tướng. Dịch tả tấn công nước Anh vào năm 1848-1849 làm 70.000 người chết. Dịch tả tấn công nước Mỹ khiến Tổng thống thứ 11 James K. Polk cũng qua đời vì căn bệnh này vào năm 1849.
Sang thời cận đại, riêng tại miền Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc năm 1937, dịch tả đã giết hại hơn 75.000 người. Dịch tả bùng nổ ở Peru vào năm 1991, lan truyền sang Ecuador, Colombia, Mexico và Nicaragua khiến hơn 12.000 người chết.
Một bệnh nhân mất nước nghiêm trọng vì bệnh tả
Ngày nay, dịch tả vẫn bùng nổ ở một số nơi trên thế giới, với khoảng 3 đến 5 triệu người mắc bệnh và 120.000 người tử vong mỗi năm. Dịch tả lớn nhất xảy ra gần đây ở Haiti vào năm 2010, khiến hơn 7000 người chết.
Bệnh nhân mắc tả có các triệu chứng giống bị cúm, như nôn mửa, tiêu chảy, co giật dẫn đến mất nước nghiêm trọng và bệnh nhân sẽ chết nếu không được bù nước hợp lý trong quá trình hệ miễn dịch chiến đấu với căn bệnh.
6. Đậu mùa
Đậu mùa xuất hiện vào khoảng 10.000 năm trước Công nguyên, và trên xác ước của Pharaon Ramses V thời Ai Cập cổ đại đã xuất hiện những vết mụn mủ của căn bệnh này. Vào thế kỷ 18, đại dịch đậu mùa do virus variola gây ra đã quét sạch nhiều thành thị, làng mạc ở châu Âu, khiến khoảng 400.000 người thiệt mạng mỗi năm, trong đó có 5 vị quốc vương.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thế kỷ 20, bệnh đậu mùa đã khiến 300-500 triệu người chết. Trong đợt đại dịch bùng phát vào năm 1967, có khoảng 15 triệu người đã nhiễm bệnh và 2 triệu người tử vong.
Những mụn nhọt điển hình của bệnh đậu mùa
Người mắc bệnh đậu mùa có các triệu chứng như đau nhức, sốt cao và xuất hiện những nốt mụn nhọt lan dần khắp cơ thể, sau đó bệnh nhân bị nhiễm độc huyết trầm trọng dẫn đến tử vong.
Mặc dù vắc xin phòng chống bệnh đậu mùa được tạo ra vào năm 1796 nhưng dịch đậu mùa thỉnh thoảng vẫn bùng phát ở nhiều nơi. Sau gần 2 thế kỷ thực hiện tiêm chủng vắc xin, WHO chứng nhận đã tiêu diệt được bệnh đậu mùa vào năm 1979.
7. Sốt vàng da
Sốt vàng da là chứng bệnh sốt gây vàng da do siêu vi trùng thuộc họ Flaviviridae gây ra. Đây là một chứng bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm lây truyền qua vật chủ trung gian là muỗi.
Siêu vi trùng này gây ra hiện tượng chảy máu trong và suy gan trầm trọng, và dấu hiệu dễ nhận biết nhất là da bệnh nhân chuyển sang màu vàng.
Sốt vàng từng gây nhiều trận đại dịch tàn khốc, giết hại hàng triệu người. Trong thế kỷ 18, sốt vàng lan tràn tại Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Anh, đặc biệt là trong thời kỳ hoàng đế Napoleon thống trị.
Nhiều đội quân bị xóa sổ vì sốt vàng da
Vào thế kỷ 19, khoảng 300.000 người Tây Ban Nha chết vì sốt vàng da. Trong thời kỳ cách mạng Haiti năm 1802, gần nửa đội quân viễn chinh Pháp bị chết vì sốt vàng da. Sốt vàng tiếp tục gây tử vong khắp nơi cho đến thế kỷ 20 khi khoa học khám phá ra bệnh lây do muỗi đốt và nghiên cứu được phương cách phòng chống bằng vắc-xin.
Cuộc tìm kiếm vắc-xin ngừa sốt vàng tốn rất nhiều công sức và hy sinh của nhiều người, trong đó có bác sĩ Cuba Carlos Finlay và bác sĩ người Mỹ Walter Reed. Tuy vậy hiện nay dịch sốt vàng da vẫn còn xuất hiện ở nhiều nước tại châu Phi và Nam Mỹ. Năm 2001, WHO ước tính có khoảng 200.000 người bị sốt vàng da và 30.000 tử vong.
8. Cái chết đen
Cái chết Đen là tên gọi của một đại dịch xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ 14 mà đỉnh điểm là ở châu Âu từ năm 1348 đến năm 1350.
Cái chết Đen được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, ước tính nạn dịch này đã giết chết từ 30 tới 60% dân số của châu Âu và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn từ 350 đến 375 triệu người vào năm 1400.
Triệu chứng của Cái chết Đen là những hạch bạch huyết bị sưng to, sốt, ho ra máu và khó thở dẫn đến tử vong.
Tranh minh họa cuộc sống ở châu Âu trong thời kỳ Cái chết Đen hoành hành
Địa điểm bùng phát của Cái chết Đen thường được cho là ở Trung Á, sau đó căn bệnh này thông qua loài chuột trên các tàu buôn đã lan đến bán đảo Crimea vào năm 1346 rồi xâm nhập vào vùng Địa Trung Hải và châu Âu.
Sự tàn phá khủng khiếp của Cái chết Đen đã dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong xã hội châu Âu như việc ra đời của nhiều tôn giáo mới hay sự chuyển đổi về cơ bản của kinh tế và xã hội châu Âu, tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc tới tiến trình lịch sử của châu lục này.
Ước tính châu Âu đã phải mất tới 150 năm để phục hồi dân số như trước thời gian đại dịch, sau này dịch hạch còn nhiều lần bùng phát trở lại tại đây và nó chỉ biến mất vào thế kỷ 19.
Trước đây, nhiều người cho rằng nguyên nhân của đại dịch này là sự bùng phát của bệnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Tuy nhiên cho đến thời gian gần đây đã có những ý kiến nghi ngờ quan điểm này. Nhờ sự tiến bộ của y học, các triệu chứng của bệnh này thường được phát hiện và điều trị sớm, và đại dịch này rất khó để có thể bùng nổ trở lại.
9. Đại dịch cúm năm 1918
Đại dịch này có nhiều tên gọi khác nhau, như Dịch cúm Tây Ban Nha hay Dịch cúm 1918, và nó là một trong những đại dịch kinh hoàng khiến nhiều người chết nhất trong lịch sử loài người.
Đại dịch cúm năm 1918 cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người
Mặc dù chỉ diễn ra trong vòng một năm, chủng virus cúm này đã gây ra cái chết cho 50-100 triệu người, và nó lây lan nhanh chóng từ nước này sang nước khác theo bước chân của những người lính trở về nhà sau Thế Chiến I từ khắp nơi trên thế giới.
Triệu chứng của bệnh cúm này tương tự như các bệnh cúm hiện nay, tuy nhiên hiện tượng tích nước trong phổi của bệnh nhân là biến chứng nặng nề nhất của dịch cúm này khiến hàng triệu nạn nhân tử vong.
10. Lao phổi
Chủng vi khuẩn gây ra bệnh lao phổi đã được tìm thấy trong các xác ướp Ai Cập cổ đại, chứng tỏ rằng đại dịch này đã từng hoành hành trên Trái đất cách đây hàng ngàn năm.
Bệnh lao phổi do một loại vi khuẩn phát tán trong không khí gây nên, và nó tấn công vào phổi của con người, gây suy yếu các cơ quan nội tạng, đau ngực, đổ mồ hôi đêm và ho dữ dội.
Phim X-quang của một bệnh nhân mắc lao phổi
Trong thế kỷ 19, lao phổi đã cướp đi sinh mạng của 1/4 người trưởng thành ở châu Âu, và đến năm 1918, một phần sáu số người tử vong ở Pháp là do lao phổi gây ra.
Ngày nay, lao phổi vẫn chưa bị loại trừ và vẫn còn lây nhiễm cho khoảng 8 triệu người mỗi năm, khiến khoảng 2 triệu người thiệt mạng.
Theo Trí Dũng

Nhận xét